Cổ phiếu Bảo hiểm nổi sóng trong bối cảnh nhà đầu tư đang có xu hướng tìm đến các nhóm ngành có khả năng chống chịu cao trong môi trường lạm phát và lãi suất tăng.
Thị trường chứng khoán phiên 23/3 bất ngờ xuất hiện pha đảo chiều, VN-Index từ mức tăng hơn 10 điểm đã đóng cửa dưới tham chiếu qua đó lùi về sát mốc 1.500 điểm. Giữa lúc thị trường đỏ lửa, cổ phiếu Bảo hiểm ngược dòng vượt qua rung lắc với sắc xanh phủ rộng.
Nhiều cái tên đã bắt đầu nổi sóng từ cuối tháng 1 có thể kể đến như MIG ( 30%), BMI ( 25%), BIC ( 21%), VNR ( 19%), PRE ( 18%), BVH ( 15%), PVI ( 14%),… Mức tăng ấn tượng trong bối cảnh thị trường gặp nhiều lực cản tại vùng đỉnh khiến các cổ phiếu Bảo hiểm trở thành tâm điểm thu hút giới đầu tư.
Cổ phiếu Bảo hiểm nổi sóng trong bối cảnh nhà đầu tư đang có xu hướng tìm đến các nhóm ngành có khả năng chống chịu cao trong môi trường lạm phát và lãi suất tăng.
Mới đây, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã chính thức thông báo nâng lãi suất tham chiếu thêm 0,25 điểm %, lên quanh mức 0,25 – 0,5%; đồng thời phát tín hiệu có thể thêm 6 lần tăng lãi suất nữa từ đây đến cuối năm 2022. Đây là lần đầu tiên Fed nâng lãi suất kể từ năm 2018, do lo ngại lạm phát tăng cao kỷ lục.
Thực tế, mặt bằng lãi suất trong nước cũng khó nằm ngoài xu hướng trên sau khi đã duy trì ở mức thấp trong suốt 2 năm 2020 và 2021 để hỗ trợ nền kinh tế vượt qua khó khăn bởi đại dịch Covid-19. Nguồn thu nhập của công ty bảo hiểm chủ yếu đến từ việc đầu tư trái phiếu và lãi suất gửi ngân hàng do đó khi lãi suất tăng, 2 kênh đầu tư này được dự báo sẽ hưởng lợi đáng kể.
Bên cạnh đó, thị trường cũng kỳ vọng vào hiệu ứng tích cực từ động thái thoái vốn của Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) tại một số doanh nghiệp bảo hiểm như BVH, BMI. Chứng khoán BVSC cho rằng, quá trình thoái vốn tại các doanh nghiệp này có thể tạo động lực tăng giá ngắn hạn do giá cổ phiếu trong các thương vụ ở quá khứ thường được trả mức giá trên giá trị sổ sách (PB) cao hơn so với mức giá giao dịch trên thị trường.
Đánh giá cao triển vọng tăng trưởng khi đại dịch Covid-19 đi qua, BVSC cho rằng ngành bảo hiểm phi nhân thọ sẽ nhanh chóng quay trở lại mức tăng trưởng trung bình 15% trong giai đoạn trước, trong khi bảo hiểm nhân thọ vẫn giữ được mức tăng trưởng cao 25 -30%/năm.
Với kịch bản cơ sở là việc mở cửa nền kinh tế sẽ diễn ra mạnh mẽ trong nửa cuối 2022, SSI Research cũng kỳ vọng các hoạt động bán hàng cũng sẽ hồi phục tốt trong năm. Doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ ước tính tăng 22-24% so với cùng kỳ năm trước, trong khi mảng phi nhân thọ đạt 8%-10% so với cùng kỳ (vẫn thấp hơn mức trước Covid). Tổng doanh thu phí bảo hiểm dự báo đạt 256.000 tỷ đồng, tăng 18-20% so với năm trước.
Ngoài ra, việc xác nhận tỷ lệ sở hữu nước ngoài (FOL) của các công ty bảo hiểm tạo tâm lý tích cực cho cổ phiếu Bảo hiểm. Trong tháng 8/2021, trên Cổng thông tin quốc gia về đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chính thức cập nhật Điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài, trong đó nêu rõ tỷ lệ FOL đối với ngành Bảo hiểm là 100%.
Theo SSI Research, động thái này đã gỡ bỏ khó khăn của nhiều công ty bảo hiểm trong những năm qua khi có kế hoạch tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài (BMI, PTI, PGI). Sau đó, một số công ty đã báo cáo về việc điều chỉnh tỷ lệ FOL với UBCKNN lên 100% (PTI, PVI, PRE) và 49% (BVH).